Sức Khỏe ChuẩnKhông có phản hồi

Angkor Wat- Campuchia

Angkor Wat là một quần thể đền đài tại Campuchia và là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới, rộng 162.6 hecta. Đây là điểm đến thu hút nhiều du khách nhất và được coi là một trong những kiệt tác kiến trúc của thế giới. Ngôi đền được xây dựng bởi người Khmer và là một trong các là di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchia, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer.

Đền Sri Ranganathaswamy- Ấn Độ

Ngôi đền Hindu này nằm ở Srirangam, Trichy, là một trong những ngôi đền thờ thần Vishnu quan trọng nhất. Quần thể ngôi đền này bao phủ một diện tích rộng với bảy bức tường đồng tâm, bức tường ngoài cùng dài 4km. Mỗi bức tường đều có sự tách biệt với những bức tường khác. Tổng cộng toàn thể đền tháp này có tất cả 21 kim tự tháp như thế, trong đó kim tự tháp lớn nhất gồm có 15 tầng, và cao tới 60m. Ngôi đền có vẻ ngoài rực rỡ đa màu sắc nên là điểm đến số một với các du khách, đặc biệt là những người theo đạo phật.

Tu viện Tiger’s Nest, Bhutan

Đây là một ngôi đền nổi tiếng, địa điểm thiêng liêng của Phật giáo trên dãy Himalaya, nằm ​​cheo leo bên vách đá của thung lũng Paro, Bhutan. Vì ở địa hình cao hơn 3000m so với mực nước biển nên khi du khách muốn lên đây tham quan phải đi bộ hoặc cưỡi ngựa để thoải mái hơn. Những làn sương, làn khói ẩn hiện và phong cảnh hai bên lối đi trên đường leo lên tu viện sẽ tái hiện lại trong mắt bạn giống như một bức tranh thủy mặc thơ mộng đậm chất nghệ thuật. Vậy nên, khi đến Bhutan mà không đến tu viện này thì thật là một sai lầm.

Prambanan, Indonesia

Prambanan là một quần thể đền thờ Hindu ở Trung Java, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Công trình của đạo Hindu được xây dựng vào thế kỷ 10 cao 47m, gồm 3 tòa nhà, mỗi tòa thờ một trong ba vị thần: Vishnu, Brahma và Shiva. Prambanan thu hút du khách bởi lối kiến trúc cao và nhiều chóp nhọn, điền hình cho kiến trúc các ngôi đền của đạo Hindu với một ngôi đền cao nằm ở trung tâm bên trong một quần thể đền thờ riêng biệt.

Todaiji- Nhật Bản

Còn có tên gọi khác là Đông Đại Tự, được xây dựng tại thành phố Nara, Nhật Bản từ thế kỷ 8 bởi hoàng đế Shomu (701 – 756) , trở thành một trong những thánh địa Phật giáo quan trọng nhất xứ sở Phù Tang. Điện chính của chùa, được biết đến như là quần thể kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới và là nơi có tượng đồng của Phật Tỳ Lô Giá Na. Ngôi chùa có bề dày lịch sử và hiện nay trong chùa vẫn lưu trữ rất nhiều chứng tích cổ. Todaiji được UNESCO công nhận là “Quần thể đài tưởng niệm mang tính lịch sử của thời kỳ Kinh đô Nara” .

Wat Rong Khun- Thái Lan

Được mệnh danh là “Chùa trắng” bởi chùa phủ một màu trắng tinh khiết và kiến trúc độc đáo nên ngôi chùa này trở thành biểu tượng của đất nước Thái Lan. Chùa nằm tại tỉnh Chiang Rai ở phía bắc đất nước này và người lên ý tưởng xây dựng chùa Wat Rong Khun là Chalermchai Kositpipat – họa sĩ và là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng ở Thái Lan. Ông xây ngôi chùa này tất cả đều là màu trắng vì muốn tượng trưng cho sự tinh khiết của Đức phật. Từ khi được khánh thành đến nay, chùa Trắng đã trở thành một điểm tham quan, hành hương du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Haeinsa- Hàn Quốc

Ngôi chùa nổi danh của Hàn Quốc này còn có tên gọi là Hải Tự Ấn,được xây dựng vào năm 802 và tọa lạc trên núi Gaya, là một trong những ngôi chùa Phật giáo hàng đầu Hàn Quốc. Chùa Haeinsa được biết đến không chỉ bởi kiến trúc nổi bật mà còn bởi đây là nơi lưu giữ Tripitaka Koreana – bộ chạm khắc kinh Phật cổ. Tripitaka Koreana là một tập hợp của hơn 81.258 tấm gỗ có khắc kinh phật trên đó và đã được lưu giữ ở đây từ năm 1398. Tòa nhà Janggyeong Panjeon ở Haeinsa (nơi cất giữ bộ sách kinh phật) đã được ghi vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1995 và trở thành một trong chín địa chỉ Di sản Thế giới tại Hàn Quốc.

Đền Harmandir Sahib- Punjab, Ấn Độ

Ngôi đền vàng này được xây dựng từ thế kỉ 16 này có mái bằng vàng đính đá quý nằm trên một hòn đảo nhân tạo ở Punjab, Ấn Độ. Đây là ngôi đền thiêng liêng nhất đối với những tín đồ của đạo Sikh trên toàn thế giới. Khi đến đây bạn sẽ phải lóa mắt bởi có 100kg vàng được dùng để dát lên các mái vòm của thành đường cũng như mặt bên ngoài của Harmandir Sahib.

Thiên Đàn- Trung Quốc

Thiên đàn được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XV, thuộc khu vực trung tâm của vườn Hoàng gia, với bốn phía là rừng tùng bao bọc. Đây là quần thể kiến trúc được bảo vệ còn khá nguyên vẹn, không có gì thay đổi mấy so với kiến trúc ban đầu. đây là một quần thể kiến trúc có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử kiến trúc Trung Quốc, đồng thời là di sản kiến trúc nghệ thuật vô giá của nhân loại. Năm 1998, Thiên đàn được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Bảo tháp Boudhanath- Nepal

Trong nhiều thế kỷ qua, bảo tháp Boudhanath đã trở thành một điểm đến quan trọng trong lộ trình hành hương của người dân Tây Tạng và Nepal. Đây là một trong những bảo tháp lớn nhất trên thế giới và nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Kathmandu, thuộc về phía Đông của trung tâm thành phố và được khởi công xây dựng từ thế kỉ V. Bảo tháp Boudhanath cao 36 mét và có đường kính trên 100 mét, chiều dài từ bức tường này đến bức tường kia gần bằng chiều dài của một sân bóng đá. Vào năm 1979 đã được UNECOS công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Hãy Là Người Trả Lời Câu Hỏi Đầu Tiên

Thêm Bình Luận