Thịt trâu, thịt bò gác bếp
Khi đi phượt lên vùng Tây Bắc nếu bạn được ăn món này thì quả là một điều may mắn đó. Vì bây giờ nhiều gia đình không chăn nuôi nhiều nên thịt bò, thịt trâu để treo rất ít. Điều đặc biệt hơn nữa là thịt trâu, thịt bò được treo trên bếp củi tự nhiên chứ không sấy bằng lò nên giữ được mùi vị cũng như có mùi thơm của khói bếp củi.
Đây là món vô cùng khoái khẩu cho các đấng mày râu nhấm rượu. Muốn có món thịt trâu, bò treo gác bếp ngon trước hết phải chọn thịt thăn tươi. Nếu may mắn mua lúc vừa mổ thì mua về không cần rửa mà có thể tiến hành chế biến luôn. Tùy từng vùng miền mà có những nguyên liệu, ướp thịt khác nhau nhưng nguyên liệu để ướp thịt cơ bản gồm có rượu trắng, hạt tiêu, hạt dổi, muối, gừng giã nhỏ, hoa hoa hồi. Thịt để miếng to khoảng 3 ngón tay dài khoảng bằng một gang tay. Cho tất cả nguyên liệu trên ướp cùng thịt khoảng 5 đến 7 tiếng khi thịt ngấm gia vị rồi sẽ xiên lần lượt từng miếng thịt vào vòng thép. Tất cả được treo trên bếp bởi một thanh gỗ hoặc sắt dài. Thịt treo khoảng hai ngày, khi miếng thịt săn lại, khô nước bề ngoài là có thể ăn được. Những miếng thịt trâu, bò sẽ được nướng vùi trong tro bếp cùng với nhiều than. Sau đó mang ra đập dập xé nhỏ ăn kèm với nước chấm có hạt tiêu rừng và ớt tươi. Khi xé nhỏ từng thớ thịt tơi ra và có màu đỏ thì đúng chất thịt treo vùng cao rồi đó. Khi treo để thịt được ngon và thơm những người dân vùng núi thường đốt củi, vỏ cây mía hoặc lá dứa
Để thưởng thức thịt bò treo gác bếp đúng chất hãy đến thăm vùng cao Hà Giang nơi đạo đầu Tổ Quốc nhé.
Lạp xưởng
Phần thịt nạc và lòng heo sẽ được dành để làm lạp xưởng. Thịt nạc rửa sạch thái mỏng ướp với muối, rượu, hạt tiêu rừng, hoa hồi, quế rồi được nhồi vào lòng heo. Công đoạn này yêu cầu sự tỉ mỉ kiên nhẫn vì lòng heo có thể vỡ hoặc rách khi nhồi. Sau đó buộc lạp xưởng đã nhồi thành những đoạn ngắn như chiếc xúc xích treo lên bếp. Khoảng 3 đến 4 tuần là có thể ăn được. Chế biến lạp xưởng khá dễ dàng chỉ cần luộc lên, hoặc rán lên thái miếng nhỏ và thưởng thức. Món lạp xưởng được ăn với cơm trắng nhâm nhi rượu ngô men lá. Đây là món đặc sản riêng vùng Tây Bắc. Ở nhiều nơi các bạn cũng có thể được ăn món này nhưng hương vị, màu sắc sẽ không được thơm ngon bằng. Hãy đến thăm những người dân tộc ở vùng núi đá Mèo Vạc, Đồng Văn. Yên Minh của tỉnh Hà Giang để trải nghiệm cách làm và thưởng thức món ăn này nhé
Thắng cố bò
Thắng cố bò là món đặc sản nhất định phải có trong các phiên chợ vùng cao. Tất cả bộ phận của con bò được rửa sạch thái miếng to bằng bao diêm. Sau đó cho vào một cái nồi to hoặc chảo to đun sôi cùng với gừng, sả, hạt tiêu, hoa hồi, riềng củ, lá chanh cho đến khi thịt chín mềm. Thắng cố bò có giá 25 đến 30 nghìn đồng một bát, đến phiên chợ những người phụ nữ đàn ông người Mông khi đã mua đầy đủ thức ăn cho gia đình họ vào quán ăn thắng cố và uống rượu cho đến khi say mới về đây là một trong những nét đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Các ban có thể đến chợ phiên Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ tỉnh Hà Giang để thưởng thức nhé.
Tuy nhiên với những người mới ăn sẽ không quen mùi vị đặc trưng của món ăn, với mùi mồ hôi, một chút mùi ngai ngái của nội tạng bò tạo nên hương vị riêng biệt không nơi nào có được.
Lươn xào măng chua
Vào mùa này mà câu được lươn ở sông, trong nhà có lọ măng chua rừng thì còn gì bằng. Nếu bạn lên thăm Tây Bắc bạn sẽ được người dân nơi đây tiếp đãi món lươn xào măng chua. Lươn rửa sạch bỏ ruột, khứa phần thân trên của lươn cách đoạn 2 đốt ngón tay. Sau đó cho lên chảo dầu nóng đảo cho thịt lươn săn lại. Tiếp đến cho măng chua tươi cùng với muối, bột ngọt, hạt mắc khén, hạt dổi vào đảo đều, cho chút nước rồi đậy vung vào để thịt được ngấm gia vị. Khi lươn đã chín cho lá tía tô thái nhỏ đảo đều và cuối cùng là thưởng thức. Khi ăn lươn xào măng chua các bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt từ thịt lươn, vị chua giảm bớt độ báo cùng với vị thơm của hạt dổi, hạt mắc khén. Món ăn sẽ ngon hơn khi xào trên chảo gang và bếp củi.
Thật thú vị và đầm ấm khi được ăn cơm trắng với lươn xào măng chua phải không ạ. Chắc hẳn đọc đến đây nhiều bạn đang tưởng tượng đến món ăn lươn xào măng chua rồi phải không. Món ăn này là đặc sản vùng Lai Châu nhé các bạn.
Thịt heo treo gác bếp
Thêm một món ăn vô cùng hấp dẫn của núi rừng Tây Bắc là món thịt lợn treo gác bếp. Những người dân tộc nuôi lợn từ đầu năm để gần đến tết có thịt lợn ăn. Ba chỉ là loại thịt được lựa chọn treo gác bếp, những miếng thịt to bằng bàn tay khổ dài ướp với muối, rượu trắng, hạt tiêu rừng, hoa hồi qua đêm cho ngấm thịt. Thịt treo tầm một tháng là có thể ăn được. Thịt được rửa cho hết bồ hóng và bớt đi bụi đen của khói bếp, sau đó luộc sơ qua. Thái mỏng rồi xào với lá tỏi.
Thịt lợn treo gác bếp ngon là khi lên đĩa thịt nạc có màu đỏ au bắt mắt, dù là thịt ba chỉ nhiều mỡ nhưng ăn không bị ngấy. Món này mà ăn với cơm trắng vào mùa đông thì ngon tuyệt. Được tiếp đãi món thịt lợn gác bếp là bạn được coi như một vị khách quý đó. Các bạn sẽ thấy bếp trên bếp củi người dân tộc ở tỉnh Hà Giang luôn có món ăn này vào mùa đông nhé.
Lươn nướng ống nứa
Lươn nướng ống nứa là món ăn đậm chất dân tộc. Món lươn nướng ống nứa phù hợp với những chuyến phượt lên vùng núi tây bắc, nơi có suối, có rừng rất thích hợp trải nghiệm món ăn này. Lươn rửa sạch lọc xương thái khúc 2 đốt ngón tay sau đó ướp với muối, hạt dổi nướng, hạt mắc khén, rau dăm, lá bạc hà, rau mùi tất cả trộn đều, khi thịt đã ngấm gia vị cho lươn vào ống nứa non dài khoảng 30 phân cuối cùng bịt đầu ống nứa bằng lá dong hoặc lá chuối. Món ăn này sẽ có vị thơm của
ống nứa, vị cay the của hạt dổi, hạt mắc khén, tuyệt vời hơn là chất ngọt của lươn được giữ nguyên trong khi nướng. Thưởng thức lươn nướng ống nứa với một chút rượu ngô thật tuyệt vời. Món ăn ày bạn sẽ được người dân ở Cao Bằng, Lai Châu tiếp đãi khi đến thăm nhé.
Hãy Là Người Trả Lời Câu Hỏi Đầu Tiên