Truyện cổ tích ra đời trong hoàn cảnh xã hội có nhiều bất công. Tác giả dân gian không ngần ngại khi phơi bày thực trạng khốn cùng trong cuộc sống của mình. Song truyện cổ tích không hề gây cảm giác bi thương, bi luỵ bởi tinh thần lạc quan thấm đẫm trong các tác phẩm. Ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, đặc biệt là trí thông minh – công cụ giúp những người dân thấp kém thể hiện ví trí của mình trong xã hội. Và dưới đây là truyện cổ tích về sự thông minh hay nhất bạn nên tìm đọc.
Chú thỏ thông minh
Trong rừng kia có một chú Thỏ rất thông minh, các con vật khác đều phục tài nó, riêng có con Hổ vẫn chẳng phục ai cả.
Một hôm, Hổ đi chơi, gặp Thỏ đang ăn mật ong ở một hốc cây, Hổ đứng đón ở lối ra, trừng mắt bảo Thỏ:
– Mày đừng có hòng chạy nữa nhé! Tao tìm mày lâu lắm rồi! Muốn tốt ra đây nộp mạng!
Thỏ bèn làm kế hoãn binh:
– Ông làm ơn cho tôi đánh một hồi trồng rồi tôi xin ra để ông bắt tôi.
– Được, Hổ trả lời.
Chú Thỏ thông minh giơ tay làm điệu bộ đánh trống liên hồi vào tổ ong. Bấy giờ tiếng ong bay vù vù, văng vẳng có âm thanh phát ra làm cho Hổ nghe tưởng là trống thật. Thích thú quá, Hổ bảo Thỏ:
– Mày cho tao đánh với.
– Ông đánh cũng được thôi – Thỏ đáp – Nhưng có điều ông mà đánh thì tôi sẽ điếc tai, long óc mất. Vậy ông làm ơn để tôi đi thật xa đây đã, bao giờ không nghe tiếng hú của tôi nữa thì ông hãy đánh.
Thế là Hổ ta quên mất việc trị tội Thỏ, để cho Thỏ chạy trốn mất. Khi không còn nghe tiếng hú, Hổ mới vươn người vào hốc cây, giơ chân trước vào tổ ong. Tổ ong vỡ ra, cả bầy ong xông tới đốt cho Hổ tối mặt tối mày. Hổ đau điếng người. Nhưng ong vẫn không tha, Hổ chạy đến đâu, chúng đuổi theo đến đó, đốt cho mặt sưng húp mới chịu thôi. Hổ biết là mắc mưu Thỏ, giận bầm gan tím ruột.
Hôm khác, Hổ tình cờ gặp lại Thỏ đang đứng bên bụi tre. Hổ chặn đường, thét:
– Mày làm cho ông bị khốn khổ một phen rồi! Thôi đứng đó cho ông trị tội.
(Phen này chắc Hổ ăn thịt Thỏ mất! Liệu Thỏ có tìm được cách thoát thân không?)
Thỏ nghĩ ra được một kế khác, liền nói:
– Ông hãy cho tôi gảy một khúc đàn cho ông nghe đã rồi tôi sẽ để ông bắt tội. Tôi không dám trốn đâu mà ông lo.
Hổ bằng lòng. Thỏ liền đến bên bụi tre, giả làm như cách gảy đàn. Kỳ thực, lúc nào gió thổi, hay cây tre sắp cọ sát vào nhau thì nó rút chân ra, lúc hai cây tre rời nhau thì nó cho chân vào. Tiếng tre cót két làm vui tai Hổ, cho nên Hổ bảo Thỏ:
– Mày để cho tao gẩy một lúc chơi.
Thỏ nói:
– Ông cứ gẩy tùy thích, nhưng chơi cho khéo kẻo hỏng mất đàn của tôi đi!
– Mày dạy tao cách gảy thế nào đã!
– Tay ông to quá, đánh hỏng mất đàn. Vậy ông hãy đánh bằng đuôi thì hơn. Đây này! Cứ lúc nào hai cây tre rời nhau thì ông cho đuôi vào giữa, thế là nó bật thành tiếng nghe rất thú. Nhưng ông hãy chờ cho tôi đi ra đã. Nói rồi Thỏ đi ra xa. Hổ làm đúng như lời Thỏ, bị tre nghiến đứt mất một khúc đuôi. Thỏ trốn mất. Hổ đau đớn không thể nói hết, kêu rống vang trời, trông bộ dạng rất thiểu não. Hắn quyết bắt cho được Thỏ, xé xác ra mới hả dạ.
Bẵng đi một hồi. Hổ lại gặp Thỏ. Nhưng lần này Thỏ đang mắc nạn, sa xuống một hố sâu không làm sao lên được. Thấy Hổ, Thỏ vội gọi:
– Trời ơi! Ông còn chưa biết ư? Mau lên, nguy khốn đến nơi rồi!
Hổ nghe nói thế, cuống lên, hỏi lại Thỏ:
– Thế nào? Nói mau!
– Ông ơi, ông có thấy gió thổi ào ào, cây cối rung chuyển đó không? Đó là điềm báo trời sắp sập rồi. Chỉ còn một cách nhảy xuống đây mới có thể thoát được mà thôi!
– Thật thế à? Cho tao xuống với nhé!
– Ông xuống ngay đi! Ở lại trên đó là chết bẹp xác!
Thế là Hổ không suy nghĩ gì, nhảy ngay xuống hố sâu, trong lòng lo ngay ngáy, không còn nghĩ gì đến chuyện trị tội Thỏ nữa. Biết là Hổ mắc mưu, Thỏ tìm kế để lên khỏi hố sâu. Nghĩ vậy, Thỏ tìm cách chọc Hổ chơi. Thỏ bèn cù vào nách Hổ, Hổ không chịu được lối đùa nghịch của Thỏ, mắng:
– Yên! Mày nghịch như quỷ ấy! Nếu còn như thế nữa tao sẽ quẳng mày lên trên kia cho trời sập đè bẹp xác.
Thỏ chỉ yên lặng được một chốc rồi lại lẻn tới cù Hổ. Tức mình, Hổ nắm lấy hai chân Thỏ vứt lên miệng hố. Thế là Thỏ lên thoát được, chạy một mạch vào làng báo cho mấy ông thợ săn biết. Lập tức, họ vác giáo mác tới giết chết Hổ.
Trí khôn của ta đây
Ngày xưa Cọp có bộ lông màu vàng rất đẹp. Tuy nhiên, tính cọp nóng nảy, lại hay bắt các loài thú khác ăn thịt, nên loài vật nào cũng sợ. Ngay cả con người cũng luôn phải đề phòng mỗi khi thấy bóng dáng của Cọp.
Một hôm, Cọp ra bìa rừng, nhìn thấy anh nông dân đang cày ruộng. Thấy con Trâu to béo thỉnh thoảng bị anh nông dân vừa quát vừa quất cho mấy cái vào mông đau điếng mà không dám làm gì, vẫn hì hục kéo cày một cách ngoan ngoãn thì lạ lắm.
Cọp đợi đến buổi mở cày, Trâu được ra nghỉ ngơi gặm cỏ, còn anh nông dân lên bờ ăn cơm mới mon men lại gần hỏi:
– Này, tôi trông cậu to khỏe thế, sao lại chịu để cho Người đánh đập và bắt làm nô lệ như thế?
Trâu dừng nhai cỏ, ngước lên nhìn Hổ, nói nhỏ:
– Ấy, anh không biết à! Người nhìn tuy nhỏ bé yếu đuối thế thôi, nhưng họ có trí khôn đấy!
–Trí khôn ư? Trí khôn là cái gì thế? Tôi chưa nghe tới bao giờ?
Trâu không biết giải thích thế nào để Cọp hiểu, đành trả lời một cách qua quýt cho xong câu chuyện:
–Trí khôn là trí khôn chứ còn là cái gì nữa! Anh muốn biết rõ hơn thì hỏi Người ấy! Người đang ăn cơm và nghỉ ngơi ở trên bờ kia kìa.
Cọp ngoái sang nhìn anh nông dân theo hướng Trâu chỉ, mới nghĩ:
– Ừ, hay sang đấy hỏi Người, tiện thể xin một ít trí khôn ăn xem sao.
Thế rồi Cọp thong thả tiến lại chỗ anh nông dân. Lúc này anh nông dân đã ăn xong bữa cơm trưa, đang ngả lưng dưới gốc cây nghỉ ngơi cho mát. Nhìn thấy Cọp đến, anh giật mình hoảng sợ, nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh.
Cọp hỏi:
– Tôi thấy Trâu bảo anh có trí khôn nên tò mò muốn biết. Vậy trí khôn của anh đâu, cho tôi nhìn thử một chút được không?
Anh nông dân ngớ người trước câu hỏi của Cọp, suy nghĩ giây lát rồi nói.
– Trí kh
ôn tôi cất ở nhà. Để tôi về lấy cho Cọp xem nhé! Nếu Cọp thích, tôi sẽ tặng cho một ít mà dùng.
Cọp chưa kịp hỏi xin mà Người đã cho nên mừng lắm. Anh nông dân giả bộ đi về nhà. Nhưng được mấy bước, anh quay lại bảo Cọp:
– Tôi thấy không an tâm lắm! Nhỡ trong lúc tôi về lấy trí khôn, Cọp ở đây ăn thịt mất Trâu của tôi thì sao?
Cọp nói:
– Anh đừng lo, tôi sẽ ngồi đây đợi.
Đi được hai, ba bước, anh nông dân lại ngập ngừng dừng lại:
– Nói thật tôi vẫn thấy không an tâm được. Hay Cọp chịu khó để tôi trói tạm vào gốc cây này, rồi đi về lấy trí khôn. Nhỡ Cọp không giữ lời, ăn thịt mất Trâu của tôi thì tôi lấy gì mà cày ruộng tiếp.
Cọp nóng lòng muốn xem “trí khôn” nên bằng lòng để Người trói lại.
Anh nông dân bèn lấy dây thừng trói chặt Cọp lại. Xong xuôi, anh chất rơm rạ đầy xung quanh. Cọp lấy làm lạ, cất tiếng hỏi:
– Anh đang làm gì thế?
Anh nông dân cất tiếng cười ha hả. Vừa cười anh vừa châm lửa đốt đống rơm rạ, rồi quát lớn:
– Đây! Trí khôn của ta đây!
Lửa bén rất nhanh, Cọp hoảng sợ gào thét vang cả bìa rừng, cháy sém hết cả lông vàng óng đẹp.
Trâu đang gặm cỏ, nhìn thấy cảnh tượng ấy không nhịn nổi, bò lăn ra cười. Chẳng trượt chân, va vào tảng đá to gần đấy, gãy hết toàn bộ hàm trên.
Cọp bị lửa đốt nóng quá, cố giãy giụa không sao thoát được. Chỉ đến khi dây thừng bị cháy đứt, Cọp mới ba chân bốn cẳng chạy một mạch vào rừng, không cả dám quay đầu lại nhìn.
Từ đó về sau, trên người Cọp con nào sinh ra cũng có những vằn đen dài xen lẫn với màu lông vàng, vết tích của trận cháy do bị người đốt. Còn Trâu thì do bị va vào đá, nên không con nào có hàm răng bên trên cả.
Cậu bé thông minh
Ngày xưa, có một ông vua sai một viên quan đi dò la khắp nước tìm người tài giỏi. Viên quan ấy đã đi nhiều nơi, đến đâu cũng đưa ra những câu đố oái oăm để hỏi mọi người, nhưng tuy mất nhiều công mà chưa thấy có người nào thật lỗi lạc.
Một hôm, viên quan đi qua một cánh đồng làng kia, chợt thấy bên vệ đường có hai cha con nhà nọ đang làm ruộng: cha đánh trâu cày, con đập đất. Ông bèn dừng ngựa lại hỏi:
– Này ông lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?
Người cha đứng ngẩn ra, chưa biết trả lời thế nào thì đứa con chừng bảy, tám tuổi nhanh miệng hỏi vặn lại quan rằng:
– Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời được ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường.
Viên quan nghe hỏi lại như thế thì há hốc mồm sửng sốt, không biết đáp sao cho ổn. Ông thầm nghĩ bụng nhất định nhân tài ở đây rồi, chả phải tìm đâu nữa mất công. Quan bèn hỏi tên họ làng xã quê quán của hai cha con rồi phi ngựa một mạch về tâu vua.
Nghe nói, vua lấy làm mừng lắm. Nhưng để biết đích xác hơn nữa, vua bèn sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội.
Khi dân làng nhận được lệnh vua, ai ấy đều tưng hửng và lo lắng, không thể hiểu thế là thế nào. Bao nhiêu cuộc họp làng, bao nhiêu lời bàn tán, vẫn không nghĩ ra được cách gì giải quyết cả. Từ trên xuống dưới mọi người đều coi là một tai vạ. Việc đến tai em bé con người thợ cày. Em liền bảo cha:
– Chả mấy khi được lộc vua ban, cha cứ thưa với làng làm thịt hai trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một trận cho sướng miệng. Còn một trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm phí tổn cho cha con ta trẩy kinh lo liệu việc đó.
– Đã ăn thịt còn lo liệu thế nào? Mày đừng có làm dại mà bay đầu đi đó con ạ!
Nhưng đứa con quả quyết:
– Cha cứ mặc con lo liệu, thế nào cũng xong xuôi mọi việc.
Người cha vội ra đình trình bày câu chuyện. Cả làng nghe nói vẫn còn ngờ vực, bắt cha con phải làm giấy cam đoan, mới dám ngả trâu đánh chén.
Sau đó mấy hôm, hai cha con khăn gói tìm đường tiến kinh. Đến hoàng cung, con bảo cha đứng đợi ở ngoài, còn mình thì nhân lúc mấy tên lính canh vô ý, lẻn vào sân rồng khóc um lên. Vua sai lính điệu vào, phán hỏi:
– Cậu bé kia, có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?
– Tâu đức vua – cậu bé đáp – mẹ con không may mất sớm, mà cha con thì không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ.
Nghe nói, vua và các triều thần đều bật cười. Vua lại phán:
– Nếu muốn có em thì phải bảo bố kiếm vợ khác chứ, chứ bố cậu bé là giống đực, làm sao mà đẻ được!
Em bé bỗng tươi tỉnh:
– Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được kia chứ!
Vua cười bảo:
– Ta thử đấy thôi mà? Thế người làng không biết đem trâu ấy ra ngả thịt mà ăn với nhau à?
– Tâu đức vua, làng chúng con sau khi nhận được trâu và gạo nếp, biết là lộc của đức vua, cho nên đã làm cỗ ăn mừng với nhau rồi.
Vua và đình thần đều cho rằng cậu bé thông minh lỗi lạc. Nhưng vua vẫn còn muốn thử cho đến cùng. Qua hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở nhà công quán, bỗng có sứ nhà vua mang tới một con chim sẻ, với lệnh bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé nhờ cha lấy cho mình một cái kim may, rồi đưa cho sứ giả, bảo:
– Ông cầm lấy cái này về, tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim.
Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn.
Lập tức, vua cho gọi cả hai cha con vào, ban thưởng rất hậu.
Hồi đó, có một nước láng giềng lăm le muốn chiếm bờ cõi của nhà vua. Để dò xem bên này có nhân tài hay không, họ mới sai sứ đưa sang một cái vỏ con ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc.
Sau khi nghe sứ thần trình bày mục đích cuộc đi sứ, vua quan đưa mắt nhìn nhau. Không trả lời được câu đố oái oăm ấy tức là tỏ ra thua kém, và phải thừa nhận sự lép vế của mình đối với nước láng giềng. Các đại thần đều vò đầu suy
nghĩ. Có người dùng miệng hút, có người bôi sáp vào sợi chỉ cho cứng để cho dễ xâu. v.v… nhưng tất cả mọi cách đều vô hiệu. Bao nhiêu các ông trạng và các nhà thông thái triệu vào đều lắc đầu bó tay. Cuối cùng, triều đình đành tìm cách mời sứ thần ra tạm nghỉ ở công quán, để có thì giờ đi hỏi ý kiến cậu bé thông minh ngày nọ.
Một viên quan mang dụ chỉ của vua đến nhà cậu bé vào lúc cậu còn đùa nghịch ở sau nhà. Nghe quan trình bày ngọn ngành câu đố của sứ giả nước láng giềng, em bé không đáp, chỉ hát lên một câu:
Tang tính tang! Tính tình tang!
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng.
Bên thời lấy giấy mà bưng,
Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang
Tang tình tang…
Rồi bảo:
– Không cần tôi phải về triều làm gì. Cứ theo cách đó là xâu được ngay!
Viên quan sung sướng, lật đật trở về tâu vua. Vua và các triều thần nghe nói như mở cờ trong bụng. Quả nhiên con kiến càng đã xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc trước con mắt thán phục của sứ giả nước láng giềng.
Rồi đó, vua phong cho em bé làm trạng nguyên. Vua sai xây dinh thự ở một bên hoàng cung cho em ở, để tiện hỏi han.
Người vợ thông minh
Xưa, có một người đàn bà làm nghề dệt vải. Nàng bản tính thông minh tháo vát, nhưng lấy phải người chồng đần độn không làm được nghề gì nên thân. Một hôm, vợ đưa cho chồng mấy tấm vải bảo mang ra chợ bán. Vợ dặn: – “Nếu không được bốn quan mỗi tấm thì đừng có bán, nghe!”
Chồng mang vải ra chợ đi khắp nơi, rao khản cả cổ mà chả có ai mua cả. Mãi về sau có một ông cụ già mua cho hai tấm. Nhưng ông ta lại không mang tiền theo. Ông cụ bảo hắn:
– Chốc nữa anh đến nhà tôi lấy tiền nhé! Nhà tôi cũng ở trong xã này thôi.
Hắn hỏi:
– Nhà ông ở đâu?
– Tôi ở chỗ: “chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt”. Đến đó tôi sẽ trả tiền ngay.
Đến chiều hắn đi tìm người mua hang chịu của hắn. Gặp ai hắn cũng hỏi thăm “chỗ chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt” là ở đâu, nhưng chẳng một ai biết thế nào mà trả lời. Người ta chỉ nói với hắn:
– Thôi rồi, anh mắc phải tay bịp bợm nào đấy thôi!
Hắn đi loanh quanh mãi đến tối mịt không tìm được nhà, đành phải trở về ôm mặt hu hu khóc.
Vợ hắn hỏi tại sao thì hắn kể cho vợ nghe tất cả câu chuyện. Người vợ bảo:
– Cũng dễ tìm thôi! “Chỗ chợ đông không ai bán” là cái nhà trường, “chỗ kèn thổi tò le” là bụi lau vì khi gió thổi nghe như tiếng kèn sáo, “chỗ cây tre một mắt” là bụi hành hay tỏi gì đó. Vậy anh phải kiếm người đó ở một cái trường học, gần đó có bụi lau, trước cửa có vườn trồng hành tỏi.
Qua ngày sau, anh chồng lại cất bước đi tìm. Quả đúng như lời người vợ nói, hắn gặp ông lão hôm qua. Đó là một thầy đồ dạy học trò. Thấy hắn đến, ông đồ liền hỏi xem nhờ ai mách cho mà biết được chỗ ở của mình. Hắn đáp: – “Tôi tìm ông suốt cả một buổi chiều hôm qua. May nhờ có vợ tôi mách cho đấy”. Ông thầy nghĩ: -“Người đàn bà này hẳn là một cô gái thông minh tài trí, ít người sánh kịp”. Hôm đó nhân nhà có giỗ, ông đồ mời hắn ngồi lại ăn cỗ. Hắn ta cắm đầu chén một bữa no nê lại được ông đồ gửi phần về biếu vợ. Nhưng khi trả tiền, ông đồ còn gửi hắn một gói khác bảo đưa cho vợ. Trong đó chỉ có một cục phân trâu ở giữa có cắm một cánh hoa nhài. Hắn ta chẳng hiểu gì cả cứ việc cầm lấy về nhà.
Người vợ trông thấy, hiểu ý ông thầy muốn mỉa mai mình:
Con vợ khôn lấy thằng chồng dại
Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu
Càng ngẫm nghĩ về “gói quà”, nàng càng buồn bực, trách chồng dốt nát để mang về cho mình một lời trêu chọc chua cay, rồi nghĩ tới duyên phận hẩm hiu, nước mắt nàng lã chã. Nàng vứt cái thoi, bụng bảo dạ: – “Thân thế ta thật chả ra gì. Trên đời có bao nhiêu người khôn ngoan tài giỏi, còn ta thì lấy nhầm phải một thằng chồng u mê đần độn!”. Trong một cơn phiền muộn, nàng chạy ra bờ sông, toan nhảy xuống dòng nước trẫm mình cho rồi một đời.
Lại nói chuyện ông thầy dạy học, sau khi tiễn chân anh chàng bán vải ra khỏi cửa, nghĩ đi nghĩ lại thấy sự trêu chọc ác nghiệt của mình thật là không phải. Ông đâm ra lo câu chuyện đưa tới một kết quả không hay: – “Không biết chừng người đàn bà ấy phẫn chí liều thân hoại thể thì ta sẽ có tội rất lớn với danh giáo”. Nghĩ thế, ông đồ bèn đi mượn một cái giỏ đựng cá thủng trôn, rồi mang ra bờ sông cùng với chiếc cần câu làm bộ câu cá. Ông cứ men theo dọc bờ sông gần làng, đi lại trông chừng. Khi thấy một người đàn bà ngồi trên bờ vắng đang ôm mặt khóc thút thít, ông biết ý vội tiến đến gần, có ý chìa giỏ cho nàng thấy và nói:
– Chị này ngồi tránh đi chỗ khác cho tôi câu cá nào.
Người đàn bà đó đúng là vợ anh chàng bán vải. Nàng ngước mắt trông lên thấy có một người đàn ông đầu đã hai thứ tóc mà lại mang chiếc giỏ rách đi câu. Nàng tự nghĩ: – “Người nào đây ngu quá là ngu. Chồng mình tuy khờ dại nhưng cũng chưa đến nỗi này”. Rồi nàng kết luận: – “Vậy ra chồng mình vẫn còn có những chỗ hơn người”. Nghĩ vậy, nàng bỏ ý định tự tử mà trở về nhà.
Chàng Rể hay chữ
Một phú hộ muốn chọn cho con gái cưng của mình một người chồng hay chữ. Ở cùng làng có một anh nông dân mồ côi cha mẹ, hằng ngày anh ta phải đi cày thuê cuốc mướn, cuộc sống vất vả mà cũng không đủ ăn.
Khi biết nhà phú ông muốn kén rể, anh ta đến nhờ ông mai lo việc mối lái cho mình. Biết chàng trai nghèo khổ, lại cũng chẳng thân thế gì nhà phú hộ, ông mai cố gắng thu xếp giúp. Khi được ngỏ ý, vì tin tưởng ông mai, phú hộ nhận lời với điều kiện: Anh nông dân phải ở rể 3 năm, nếu anh ta là người hay chữ, biết làm ăn thì phú hộ sẽ cho làm lễ cưới rước dâu.
Một hôm, cha vợ, chàng rể lại lên rẫy tiếp. Trời nóng, lão phú hộ đưa tay lên che đầu và ra câu đối:
– Ngũ duyên lai định thượng. Anh con rể lúng túng đưa tay vỗ vào bụng “cái bạch” rồi bỏ ra về.
Lão phú hộ không hi
ểu anh chàng rể đối thế nào phải lò dò đến ông mai, giận dữ nói: – Tôi thật chẳng hiểu gì cả!
– Có thế mà ông cũng không biết, nó đối thế là hay quá, ý nó là: “Phúc trung tấp thư tịch” (trong bụng chứa rất nhiều chữ nghĩa). Từ đây về sau, ông chẳng nên thử tài nó nữa, nó mà giận bỏ về thì tôi không chịu trách nhiệm nữa đâu!
Bữa kia anh nông dân đi làm gặp trời mưa, anh ghé vào nhà ông mai nói chuyện, nhìn màn mưa bên ngoài ông mai buột miệng: “Lác đác mưa sa làn gió thị”. Chiều về trời vẫn mưa chưa hết, sấm chớp lại nổi lên liên hồi, lão phú hộ tức cảnh đọc:
– Ầm ầm sấm dậy đất kim bôi.
Chàng rể liền đọc ngay: – Lác đác mưa sa làn gió thị.
Lão phú hộ nghe vậy cứ gật đầu khen hay mãi vì câu đối chỉnh quá.
Từ đó về sau, lão yên tâm không thử tài chàng rể nữa. Hết thời hạn ở rể 3 năm, anh nông dân được lão phú hộ tổ chức đám cưới linh đình, bao nhiêu phí tổn lão chịu hết. Bên làng biết được cười rằng: Dốt thôi dốt đặc cán mai, Gặp may chàng cũng thành trai lão làng.
Bác nông dân và con quỷ
Ngày xưa đất đai đều bị loài quỷ chiếm mất cả. Một hôm, có người nông dân vào rừng trồng củ cải. Anh đang cuốc đất thì có một con quỷ chạy lại và quát lên:
– Anh kia, ai cho vào rừng của ta?… Anh muốn chết à?
Người nông dân bình tĩnh nói:
– Quỷ ơi, đừng ăn thịt tôi. Quỷ để tôi gieo cải. Khi cây lớn lên, tôi chỉ lấy gốc thôi, còn ngọn xin nhường quỷ.
Thấy không phải làm gì mà lại được ăn, quỷ bằng lòng, bèn nói :
– Thế cũng được, nhưng anh phải giữ đúng lời hứa đấy. Nếu không đúng, đừng có hòng vào rừng này nữa.
Củ cải lớn, người nông dân dỡ lấy củ, để lại ngọn cho quỷ. Quỷ ăn thấy đắng, tức lắm không làm gì người được.
Sang mùa sau, người nông dân lại vào rừng tiếp tục trồng. Thấy vậy, quỷ lại đòi chia. Người nông dân hỏi:
– Thế quỷ định lấy gốc hay lấy ngọn?
Bực tức vì lần trước đã không được ăn, nên lần này quỷ đòi lấy gốc. Thấy vậy, người trồng lúa. Lúa chín vàng, người nông dân gặt lấy ngọn gánh về, còn để gốc lại cho quỷ.
Gốc rạ không ăn được, quỷ tức giận, sùi bọt mép, đòi mùa sau ăn cả ngọn lẫn gốc. Quỷ nghĩ: “Cho người trồng gì đi nữa, kết quả thu hoạch lần này cũng về ta cả”. Nhưng không chịu thua quỷ, người nông dân đem ngô ra gieo. Vì ra sức chăm bón nên bắp ngô rất to. Mỗi cây có đến hai, ba bắp. Đến mùa người mang quang gánh, hối hả bẻ ngô, gánh về nhà, để lại cả ngọn lẫn gốc ngô cho quỷ.
Nhìn những thân cây ngô khô đét, không ăn được, quỷ đành hậm hực chạy về rừng mà không làm gì người được.
Thế là cả ba lần, nhờ trí thông minh, người nông dân đã thắng quỷ tham lam và ngu xuẩn.
Hãy Là Người Trả Lời Câu Hỏi Đầu Tiên